Bà Jolie Nguyễn – Chủ tịch LNS International Corporation chia sẻ về cơ hội và thách thức khi đưa sản phẩm vào Mỹ. |
Mang niềm tự hào và văn hóa Việt Nam đến với kiều bào
Nhu cầu món ăn Việt của kiều bào tại thị trường Mỹ ngày càng tăng cao, đặc biệt là nông sản và đặc sản vùng miền. Chia sẻ tại talkshow “Cơ hội vàng cho startup xuất khẩu”, do LNS International Corporation, CT Choice và Công ty TNHH SX&TM Cà Mèn phối hợp tổ chức ngày 15/11, bà Jolie Nguyễn – Chủ tịch LNS International Corporation- cho biết: Mỹ là một thị trường tiềm năng đối với các sản phẩm Việt Nam. Theo thống kê, hiện có khoảng 7 triệu người Việt Nam đang sinh sống tại nước ngoài, trong đó chỉ riêng tại Mỹ có hơn 3 triệu người Việt.
“Tại Mỹ hiện có rất nhiều kênh phân phối hàng Việt như chợ, siêu thị, các sàn thương mại điện tử như Amazon hay Sayweee. Điều đáng lưu ý là kiều bào tại Mỹ luôn mong muốn sử dụng sản phẩm quê hương bởi với họ có rất nhiều sản phẩm khi nhắc tới sẽ gợi nhớ tuổi thơ, nhớ thời đã sống ở Việt Nam và mang niềm tự hào dân tộc”- bà Jolie Nguyễn cho biết.
Trong khi đó, theo bà Jolie Nguyễn, các sản phẩm Việt Nam hiện được lòng khách hàng bởi chất lượng cũng như có sự khác biệt so với những sản phẩm trên thị trường. Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp Việt mở rộng xuất khẩu.
Nhận định tiềm năng của thị trường Mỹ lớn, ông Nguyễn Đức Nhật Thuận – Founder Cà Mèn – cho biết: Tháng 6/2023 Cà Mèn đã ký kết với LNS International Corporation để đưa các sản phẩm cháo bột cá lóc xuất khẩu chính ngạch qua Mỹ. Tới nay Cà Mèn đã xuất được 3 container cháo bột cá lóc, với tổng số lượng gần 150.000 gói, đạt doanh thu gần 5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Đức Nhật Thuận, nhờ câu chuyện xuất chính ngạch đi Mỹ, Cà Mèn cũng có cơ hội được kết nối với các đối tác là các nhà xuất, nhập khẩu hàng tiêu dùng đi các thị trường như: Canada, Singapore, Úc, New Zealand.
Thực tế, ngoài Cà Mèn cũng đang có nhiều startup khác đang xuất khẩu những sản phẩm đặc sản, nông sản Việt qua Mỹ. Duy Anh Foods là một ví dụ. Dù không tiết lộ số liệu cụ thể song ông Lê Duy Toàn – CEO Duy Anh Foods- cho biết: Doanh nghiệp này hiện đang xuất khẩu đều đặn các sản phẩm bánh tráng truyền thống – một đặc sản của huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh qua thị trường Mỹ. Điều đáng mừng là ngoài thị trường Mỹ, doanh nghiệp cũng có cơ hội tiếp cận rất nhiều khách hàng ở các quốc gia khác.
Đáp ứng chất lượng và tiêu chuẩn là “tấm hộ chiếu” chinh phục người tiêu dùng
Dù nhu cầu sản phẩm Việt ở thị trường Mỹ lớn song việc tiếp cận thị trường này có một số khó khăn về thời gian, chi phí… Cụ thể, khoảng cách địa lý xa nên doanh nghiệp Việt sẽ mất lợi thế về thời gian cũng như kinh phí vận chuyển. Ngoài ra, với các sản phẩm là thực phẩm, việc vận chuyển phải đảm bảo tươi ngon và nguyên vẹn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải tuân thủ nghiêm các quy định của các cơ quan như Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).
Ngoài các khó khăn kể trên, theo bà Jolie Nguyễn, có nhiều doanh nghiệp startup Việt khi sản xuất sản phẩm có bao bì không được bắt mắt, không phù hợp với thị trường nước ngoài.
Chính vì vậy, doanh nghiệp khi muốn xuất khẩu vào Mỹ cần làm hồ sơ xây dựng nhà máy, bộ quy tắc quản lý sản xuất, quản lý rủi ro, hồ sơ quản lý chất lượng tùy thuộc theo từng mặt hàng… bởi đây là “tấm hộ chiếu” rất quan trọng, giúp sản phẩm thông quan dễ dàng mà không gặp phải bất kỳ rào cản nào.
Đặc biệt, doanh nghiệp sản xuất cũng phải đảm bảo bao bì sản phẩm chuẩn chỉ, có đầy đủ thông tin về thành phần dinh dưỡng (nutrition facts), thông tin hiển thị phải được phiên âm tùy theo từng thị trường, có thêm thông tin cảnh báo về sản phẩm…
Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, bà Jolie đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp startup rằng: Tình hình tiêu thụ sản phẩm Việt ở nước ngoài phụ thuộc phần lớn vào truyền thông tại Việt Nam. Khách hàng ở nước ngoài cũng rất “bắt trend” khi Việt Nam có sản phẩm gì hot, một thời gian sau, tại nước ngoài cũng sẽ có. Nhiều doanh nghiệp thấy vậy nên có tư duy xuất khẩu theo con đường nào cũng được (xách tay, đi theo đường tiểu ngạch), miễn sao tới tay khách hàng. Tuy nhiên, đó là tư duy sai lầm. Doanh nghiệp phải đi theo con đường chính thống, cung cấp sản phẩm chất lượng, phù hợp yêu cầu, đừng làm mất uy tín của mình ở nước ngoài. “Sản phẩm phải tốt thì mới có thể giữ chân khách hàng”- bà Jolie nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đức Nhật Thuận – Founder Cà Mèn: Nỗ lực thay đổi để đáp ứng yêu cầu của thị trường
Ban đầu khi ra mắt Cà Mèn vẫn làm mọi công đoạn thủ công. Tuy nhiên nhờ được LNS hỗ trợ tinh thần và tư vấn về dây chuyền, máy móc công nghệ, Cà Mèn đã và đang nỗ lực để đảm bảo sản phẩm được đóng gói một cách chuyên nghiệp nhưng vẫn giữ được hương vị, để bà con sau khi thưởng thức thì có thể tìm được hương vị, ký ức của tuổi thơ. Chuyên gia kinh tế Huỳnh Phước Nghĩa: Cần có chính sách đặc thù để thúc đẩy khởi nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam là quốc gia có lợi về nguồn nguyên liệu nông sản, đặc sản. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần có nhiều chính sách đặc thù hơn để thúc đẩy đầu tư khởi nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản. Đặc biệt, năng lực xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp khởi nghiệp là yếu tố rất quan trọng để xuất khẩu thành công. Các doanh chuẩn hóa quy trình từ đầu, có chiều sâu về chất lượng sản phẩm, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, truyền thông thương hiệu,… |