Đây là chia sẻ của các doanh nghiệp tại Talkshow: Cơ hội vàng cho startup xuất khẩu do LNS International Corporation phối hợp thương hiệu CT Choice và Cà Mèn tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 15/11.
Khởi nghiệp bằng việc mở quán ăn tại Tp. Hồ Chí Minh, bán các món đặc sản của Quảng Trị như bánh ướt thịt heo, cháo bột (bánh canh) vịt, cháo bột cá lóc…đến nay Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Cà Mèn không chỉ đưa đặc sản Quảng Trị vượt qua khoảng cách vùng miền mà còn vươn ra thế giới.
Ông Nguyễn Đức Nhật Thuận, người sáng lập Cà Mèn cho biết: Từ tháng 6/2023, Cà Mèn bắt đầu hợp tác với LNS để xuất khẩu chính ngạch sản phẩm cháo bột cá lóc đóng gói sang thị trường Mỹ. Tính đến hiện tại, Cà Mèn đã xuất được 3 container cháo bột cá lóc, trị giá khoảng 5 tỷ đồng. Hiện tại Cà Mèn và LNS đang xúc tiến xuất khẩu sản phẩm đóng gói sang Nhật Bản và châu Âu. Bên cạnh đó, Cà Mèn có cơ hội kết nối với các đối tác là đơn vị xuất nhập khẩu hàng tiêu dùng đi các thị trường khác như Canada, Singapore, Australia, New Zealand…
“Khó khăn thị trường đang bủa vây lĩnh vực xuất nhập khẩu và các startup cũng không thể tránh khỏi, thậm chí khó hơn gấp nhiều lần. Tuy nhiên, lợi thế của Cà Mèn chính là sản phẩm “không đụng hàng” với ai, đáp ứng nhu cầu thưởng thức hương vị quê nhà của nhiều người Việt xa xứ. Bên cạnh đó, Cà Mèn dù có quy mô sản xuất nhỏ nhưng được đầu tư chỉn chu ngay từ đầu nên dễ dàng đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu.”, ông Nguyễn Đức Nhật Thuận chia sẻ thêm.
Một đặc sản khác của Việt Nam là mật hoa dừa của Công ty TNHH Trà Vinh Farm (Sokfarm) cũng đang từng bước vươn ra thế giới từ các “ngách” nhỏ. Ông Phạm Đình Ngãi, Giám đốc Công ty TNHH Trà Vinh Farm thông tin: Bối cảnh khó khăn, thị trường tiêu dùng biến động nhiều vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp startup.
Theo đó, doanh nghiệp lớn sẽ chịu tác động lớn do lượng đơn hàng sụt giảm mạnh, quy mô thị trường bị thu hẹp đột ngột. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp quy mô sản xuất nhỏ và có các sản phẩm mới lại có thể “nương theo” sự thay đổi về xu hướng tiêu dùng để phát triển triển thị trường.
Sau đại dịch COVID -19 và khó khăn về kinh tế, người tiêu dùng trong và ngoài nước đều chú trọng hơn về sức khoẻ, ưu tiên lựa chọn các loại thực phẩm lành mạnh. Trong khi đó, sản phẩm chủ lực của Sokfarm là mật hoa dừa, chất tạo ngọt hữu cơ, thuần chay rất tốt cho sức khoẻ.
Tại thị trường Việt Nam, mặc dù các sản phẩm đầu cuối phân phối ra thị trường có sự sụt giảm khoảng 20% nhưng bù lại, nhu cầu về nguyên liệu chất làm ngọt hữu cơ cho sản xuất các loại thực phẩm khác lại tăng khoảng 30 – 40%.
Với xuất khẩu, Sokfarm đang nhận được nhiều tín hiệu tốt, có thể đưa sản phẩm vươn xa. Từ năm 20219, Sokfarm đã xuất khẩu mật hoa dừa sang thị trường Nhật Bản, sau đó là Hà Lan, Đức. Tháng 10/2023, Sokfarm đã xuất khẩu đơn hàng mật hoa dừa đầu tiên sang thị Mỹ, đánh dấu cột mốc mật hoa dừa Việt Nam hiện diện trong hệ thống phân phối ở Mỹ. Thông qua các hội chợ triển lãm thực phẩm quốc tế, Sokfarm cũng nhận được sự quan tâm từ nhiều khách hàng tiềm năng ở Trung Quốc. Đây là dư địa tốt để Sokfarm duy trì sự tăng trưởng và mở rộng thị trường cho những năm sau.
Theo ông Phạm Đình Ngãi, lợi thế của startup chính là sự linh hoạt, dễ dàng thích nghi với các chuyển động của thị trường. Việc khai thác thị trường ngách có quy mô nhỏ giúp các doanh nghiệp giảm bớt áp lực cạnh tranh trực tiếp với các “ông lớn”. Bên cạnh đó, nếu nhạy bén với xu hướng, đầu tư tương xứng cho nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới, các startup hoàn toàn có thể trở thành người dẫn đầu trong phân khúc nhỏ về quy mô nhưng mang lại giá trị, hiệu quả kinh tế cao.
Ông Huỳnh Phước Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Kinh tế, Luật và Quản lý (Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH) cho rằng: Ngày càng có nhiều startup lĩnh vực thực phẩm và đạt được thành công không chỉ ở thị trường trong nước mà cả xuất khẩu. Trong tư duy khởi nghiệp ngoài việc “liều” cần phải có kiến thức nghiên cứu chuyên sâu, tạo ra sản phẩm chất lượng dựa trên nguồn tài nguyên bản địa chứ không thể phụ thuộc vào xuất khẩu thô rồi nhập khẩu thành phẩm.
“Xung đột chính trị hay thương mại đều sẽ tạo ra luồng dịch chuyển mới, đây là thời điểm nhạy cảm nhưng cũng khá thuận lợi để các startup gia nhập vào chuỗi cung ứng. Cơ hội hay dư địa thị trường không có sẵn mà bắt đầu từ sự sáng tạo dựa trên nhu cầu của người tiêu dùng. Sản phẩm mới cũng có thể tạo ra thị trường mới. Để không tự bó hẹp phạm vi phát triển, ngay từ khi bắt đầu, các startup cần có tư duy đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất rồi tiếp cận mở rộng sang các thị trường khác. Việc xây dựng thương hiệu trong thời đại công nghệ số rất dễ nhưng đòi hỏi sự chuẩn chỉnh ngay từ đầu bởi sự lan toả thông tin hiện nay rất nhanh.”, ông Huỳnh Phước Nghĩa nêu góc nhìn.
Bà Jolie Nguyễn, Chủ tịch LNS International Corporation cho biết: Kinh tế thế giới năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức do xung đột địa chính trị kéo dài, lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Nhiều nền kinh tế lớn, trong đó có các đối thác thương mại quan trọng của nước ta đã tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái.
Điều này ảnh hưởng lớn đến kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực xuất – nhập khẩu. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng quan vẫn có những điểm sáng cho ngành thực phẩm, nông sản Việt. Ngoài các mặt hàng lương thực thực phẩm cơ bản như gạo, rau củ quả đang tăng trưởng tốt thì nhu cầu các món ăn Việt, đặc sản vùng miền tại nhiều thị trường như Mỹ, châu Âu ngày càng tăng cao.
Lợi thế của Việt Nam trong lĩnh vực này là sự đa dạng về chủng loại nguyên liệu, cách chế biến. Bên cạnh đó, cộng đồng người Việt sinh sống ở nước ngoài khá đông đảo, khoảng 7 triệu người chính là khách hàng mục tiêu đầu tiên; đồng thời cũng là những “đại sứ” đưa các đặc sản Việt tiếp cận đến người gốc Á và cả người tiêu dùng bản địa.
Riêng thị trường Mỹ hiện có khoảng 3 triệu người Việt sinh sống và có nhu cầu rất lớn đối với nông sản, thực phẩm đặc trưng của Việt Nam. Đây cũng là thị trường có hệ thống phân phối đa dạng, rộng khắp từ chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini đến đại siêu thị.
“Với vai trò là doanh nghiệp xuất nhập khẩu, LNS International Corporation ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc sản từ nông sản Việt, mang đậm truyền thống cũng như hội tụ đủ yếu tố thuần tự nhiên, lành tính, an toàn cho sức khoẻ người dùng. Hiện nay, các mặt hàng do LNS phân phối đã có mặt tại hơn 1.000 siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm tại Mỹ. Ngoài ra, LNS cũng phát triển mô hình xe tải thực phẩm chạy xuyên bang mỗi tuần, giúp sản phẩm Việt đến gần hơn với người tiêu dùng tại Mỹ.” bà Jolie Nguyễn chia sẻ.